LỜI CHÀO

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Hoang dã giữa thiên nhiên

EO GIÓ NHƠN LÝ- Thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ

Thả bộ qua bãi đá trứng, dọc theo vách núi, bạn dễ dàng nhận thấy những hang động mà thiên nhiên khéo kiến tạo rất đặc trưng theo dạng hàm ếch, hình vòm, lô nhô những nhũ đá  nhiều màu với nhiều hình tượng mang dáng vẻ gợi cảm, phù hợp với du khách dừng chân trú nắng, trú mưa, nghỉ ngơi sau mỗi lần vãn cảnh Eo Gió. Hướng về Tây là những hang động có nhiều chim làm tổ, trú ngụ quanh năm, cho ra những giá trị xuất khẩu.



>
Giếng Tiên (bên biển, nhưng nước lại ngọt và trong vắt)


Đến  Eo Gió bạn còn thấy một vách núi thẳng đứng có một dòng nước suối trong xanh, mát ngọt (mạch ngầm thấm từ trên cao và dồn lại một hố tròn), mỗi lần múc chỉ một bát nước, nhân dân địa phương gọi là Giếng Tiên. Sau 5 năm, nay tôi trở lại thì hố tròn đó đã được nâng cao để chứa lượng nước nhiều hơn, có thể ngâm mình hoặc khoát nước rửa mặt rất sảng khoái, hồn bay theo gió, quên hết mệt nhọc, cảm thấy yêu đời hơn.


Biển trong xanh, thấy là muốn nhảy ùm xuống

Đến tham quan Eo Gió, bạn nên chọn thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, khi "tháng giêng động dài, tháng hai động tố" đã qua, nhường chỗ cho" tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non" đến. Ở thời điểm này trời xanh, biển lặng, quần thể Eo Gió được che chắn bởi dãy núi hình cánh cung từ Đông sang Tây, tạo cho lòng vịnh luôn kín gió, mặt nước biển êm đềm lăn tăn  từng con sóng nhỏ vỗ nhẹ vào từng phiến đá rả rích nghe rất êm tai.


Các bạn quan sát kỹ từ trên xuống (bên trái ảnh) có hình chân dung "tráng sĩ" đang cúi mặt, vị trí người tham quan đứng là phần ngực chàng tráng sĩ.
Nếu ta nhìn ngược lại sẽ là chân dung "thiếu nữ buồn". Rất tiếc là thời điểm tôi chụp bị ngược sáng
(do máy ảnh chất lượng chưa cao) nên không thể thực hiện được. Ở góc nhìn này thì giống hệt chân dung do một tác giả điêu khắc thời tiền sử tạc vậỵ  Hai chân dung này do tôi phát hiện từ một chuyến đi thâm nhập thực tế đế sáng tác tranh, cách đây 20 năm và đặt tên cho hai chân dung (nhân dân địa phương đến giờ vẫn chưa biết).




Eo Gió hiện là thắng cảnh đẹp của thành phố Quy Nhơn có giá trị về du lịch tham quan. Bạn muốn đến Eo Gió hãy đi qua cầu Thị Nại (cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, tôi sẽ đưa bạn tham quan ở bài viết khác) theo đường 639 đến ngã ba Nhơn Hội chừng 10km, rồi rẽ theo hướng tay phải đi trên đường trục đã trải nhựa (mặc sức xe ta bon bon trên dặm đường) thẳng tắp khoảng 5km nữa là đến trung tâm xã Nhơn Lý, từ đó  bạn gửi xe rồi thong thả đi bộ khoảng 200m là đến Eo Gió. Bạn cũng có thể đi theo tỉnh lộ 639 (tuyến đường ven biển) từ Tam Quan, (Hoài Nhơn) đến Phù MỸ - Phù Cát - Quy Nhơn và tỉnh lộ 640 - 635 đến tỉnh lộ 639 về hướng cầu Thị Nại tới ngã ba Nhơn Hội rồi rẽ trái cũng đến được Eo Gió.


HẦM HÔ - Nét đẹp giữa đại ngàn

Hầm Hô nằm ở thôn Phù Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 55km về phía Tây nam. Đây là một dải liên hoàn bậc thang gồm: suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài gần 2km men theo vùng hạ lưu sông Kôn. Khởi hành từ thành phố Quy Nhơn  theo quốc lộ IA  về hướng Tây Bắc, đến quốc lộ 19 thì rẽ vào đi về phía huyện Tây Sơn, vùng đất của vương triều áo vải, từ đây đi thêm hơn 5km nữa là bạn sẽ đến vùng đất sơn thủy kỳ thú này. Đến Hầm Hô, bạn không chỉ đắm mình trong cảnh sắc núi non hùng vĩ mà còn được tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.

Trên lòng sông mùa khô, đá nổi lên với nhiều hình dạng như đàn voi đang tắm..


 Vào mùa nước cạn và những ngày trời trong xanh, khi những tia ban mai rọi xuống, những khối  đá ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như hàng vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Mỗi khối đá mang một hình  dạng riêng, chấp cánh cho trí tưởng tượng của du khách: đá lớn, đá nhỏ, khối vuông, khối tròn, có khối hình tựa như đàn voi đang tắm, có những dãy đá như đàn ngựa đang phi... Những tảng đá khổng lồ nhẳn thín này được tạo thành  bởi thời gian và  và dòng nước qua hàng triệu năm sẽ là điểm dừng chân thú vị cho các bạn sau một thời gian dài bềnh bồng trên những chiếc thuyền nhỏ.
Mùa mưa cá từ sông Kôn ngược dòng lên nguồn Đá Hàng để sinh đẻ và phải qua thác Hầm Hô mới lên được nguồn. Tương truyển rằng xưa kia, hàng trăm cá tề tựu về đây để vượt thác con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay tác Vũ Môn. Ngoài ra, trứng kiến vàng là một món ăn chỉ độc nhất vào sâu trong Hầm Hô mới có. Đây vừa là thứ đặc sản hiếm có, vừa là phương thuốc chữa được nhiều bệnh tật.

Nếu muốn, bạn có thể ở lại thêm một ngày, trèo đá, vượt thác, men theo những đường mòn hoang sơ dọc theo hai bừ sông Kôn lên đến Thác Dốc, Hòn Trào, ngủ đêm tại đây để sáng hôm sau đón những tia nắng bình minh xuyên qua kẻ lá, phản chiếu trên mặt nước Hầm Hô giữa muôn vàn âm thanh ríu rít của chim muông hòa vào không gian huyền bí, gió hú mây ngàn.





Chào các bạn! đã đâm lao thì phải theo lao.
Sau khi bài viết "Hoang dã giữa thiên nhiên" đăng trên blog, có độc giả hỏi  về Kiến Vàng chữa được bệnh gì? Tôi xin phép đăng tiếp bài viết sau:
TRỒNG CÂY TÌM... Ổ KIẾN VÀNG!
Theo kinh nghiệm, thời điểm lấy trứng kiến kéo dài từ tháng giêng cho tới cuối tháng hai (AL) mới ngon, vì giai đoạn này trứng kiến vàng rất mọng nước, có màu trắng sữa và đặc biệt chứa nhiều hàm lượng protein cao. Nếu để tới tháng ba gió Nam kéo về, kiến chúa sẽ tách bầy tản bay tứ xứ tìm nơi thích hợp làm ổ sinh sản ra nhiều nhóm khác.
Việc khai thác trứng từ tổ kiến vàng cũng cần có nghệ thuật cao, bởi nếu sơ sẩy sẽ bị họ hàng nhà kiến cắn không thương tiếc. Thường thì người ta dùng cái bầu để lấy trứng. Người thọc trứng dùng một cái sàng (sảy tấm) có rải lớp tro mịn hứng phía dưới bầu, vì khi trứng lọt ra ngoài trộn lẫn trong lớp tro sẽ được bảo vệ không bị vỡ. Người thọc trứng tiến hành gạn lọc lớp tro, rồi nhặt trứng mang về.
Tuy nhiên, nếu là người mới “trộm” trứng (dân địa phương gọi là thọc trứng) lần đầu, không có kinh nghiệm nhận biết trứng kiến, rất dễ nhầm lẫn với ấu trùng của chúng. Vì thế, để dễ dàng phân biệt, dân chuyên nghiệp phải căn cứ vào màu sắc mà kiến vàng nằm ổ. Nếu lá còn nguyên màu xanh đậm, nghĩa là trứng vừa mới rụng, còn khi đã ngả màu vàng ươm chắc chắn trứng đã phát triển thành ấu trùng.
ĐỘC ĐÁO MÓN TRỨNG KIẾN
Theo tìm hiểu của dân địa phương, loài kiến vàng có khả năng tiết ra một lượng axít làm thúc đẩy quy trình sinh trưởng của cây ăn quả như cam, chanh, bưởi… Đặc biệt đối với người bị bệnh tiểu đường, dùng mẹo nhỏ bằng cách treo miếng thịt bò trên cành cây cao có ổ kiến vàng độ hai giờ đồng hồ. Sau đó, đem miếng thịt bò ra ngoài, để nguyên không rửa nước sạch mà đem thái mỏng nấu cháo, tức thì chất chua tiết ra từ kiến ngấm lên thịt bò sẽ khử được lượng đường thừa trong máu người bệnh. Nhờ những lợi ích này, kiến vàng được người dân thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn tận dụng chế biến nên nhiều món ăn chơi khá thú vị.
Trong đó, ba món ngon được ưa chuộng phổ biến là nộm trứng kiến, cải kho trứng kiến và canh trứng kiến. Cách làm vừa đơn giản vừa dễ thực hiện, người sành ăn chỉ cần nhìn qua một lần là biết ngay. Trứng kiến đem xào chín, nêm gia vị vừa dùng, trộn với hỗn hợp dưa leo, bưởi và đài hoa đực của quả mít thái mỏng, rắc thêm ít đậu phộng rang là xong ngay món nộm. Khi ăn sẽ có vị chát, chua, ngọt và độ giòn tan hòa lẫn rất độc đáo. Món dưa cải kho trứng kiến cũng là món hấp dẫn, lấy bẹ cải cay ủ chua lâu ngày đem kho với trứng kiến, để độ hai phút nhắc xuống, dùng ngay thì “tuyệt cú mèo”. Cuối cùng là canh trứng kiến, người nội trợ chỉ cần đun sôi nước, thả trứng kiến vào nồi, nêm vừa ăn, gia giảm thêm ít hành lá là có ngay món canh ngon dùng với cơm trắng.
Trứng kiến ngon, bổ là thế. Tiếc rằng, nguồn kiến vàng hiện nay đã trở nên khan hiếm vì những tác nhân môi trường khiến người nông dân ven vùng mất đi cơ hội thu hoạch trứng kiến mỗi dịp vào mùa. Tuy nhiên, nếu bạn là khách du lịch ở xa mới đến ngoạn cảnh Hầm Hô lần đầu, vẫn có thể thưởng thức được món trứng kiến rất tuyệt này vì các “nội tướng” nơi đây rất mến khách...

2 nhận xét:

  1. Bai dai qua, nen cat bot cai che do xem them ong a! he he he he...

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn NCHiền đã viết về thắng cảnh Eo Gió quê anh

    Trả lờiXóa