LỜI CHÀO

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Vạn Gò Bồi

Vạn Gò Bồi, nơi hạ lưu chi nhánh của sông Côn trước khi đổ ra biển, ngày xưa là biển cả (từ cửa Cách Thử lên đến Nhơn Hạnh ngày nay). Những chấn động cùng với thời gian cửa Cách Thử bị lấp, phù sa sông Côn bồi dần thành Gò Bồi - Tùng Giản và các thôn kế cận: Kim Giản, Tân Giản và Huỳnh Giản. Thị trấn Gò Bồi thuộc làng Tùng Giản xã Phước Hòa, Tuy Phước. Làng Tân Giản nằm gối đầu làng Tùng Giản thành làng ven sông từ thế kỷ 16.


Vạn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Di tích chùa Ông, chùa Bà (bên trục đường Gò Bồi đi Phước Thắng) vẫn lưu lại trong tâm trí của những bậc cao niên. Làng nghề làm nước mắm truyền thống đã có trên hai trăm năm. Hằng năm, khi gió nồm bắt đầu thổi, tháng 2 âm lịch là đầu mùa ghe. Thuyền buồm từ miền Nam (Phan Rang, Phan Thiết) lên vạn Gò Bồi, tháng 3 là rộ nhất. Khách lạ đến từ bên kia sông là đã ngửi mùi mắm rồi. Mùi mắm đã len vào lòng nôi cho đến khi khôn lớn, khiến Xuân Diệu bồi hồi:

Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi

Nên đến giờ thơ anh vẫn đậm đà thấm thía.

Khi tôi sinh ra, không còn thở hơi nước mắm ngon, không còn ghe bầu theo gió nồm đến Gò Bồi và trở về khi gió nam. Con sông quê ngày một cạn dần, ghe bầu không vào được nữa nhưng dấu ấn một thời vẫn là niềm tự hào, nhất là những người sống xa quê nghĩ về quê hương. Con sông quê bồi đắp phù sa, nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên từng ngày vậy mà đã có lúc cuộn máu đào tuôn chảy…

Tôi còn nhớ như in một sáng mùa đông năm 1966. Trời trở rét. Mưa phùn lất phất bay. Ông tôi đốt nến, thắp sáng các trang thờ, chuẩn bị gõ mõ tụng kinh theo thông lệ vào ngày rằm hằng tháng. Bỗng đâu, xuất hiện hai tên lính Nam Triều Tiên lăm lăm súng trên tay xồng xộc vào nhà. Thấy ông tôi đốt nến, hai tên lính hạ súng. Đợi ông tôi cúng xong chúng lại dí súng vào ông tôi, cả bà tôi và anh chị em tôi ra lệnh: Đi! Bà tôi chỉ kịp vơ vội chiếc khăn choàng, quấn cổ và đầu cho tôi đỡ rét. Bà cõng tôi trên lưng, bước đi trong giá rét heo may. Chúng lùa gia đình tôi đến ngôi nhà tranh vách đất, cạnh cây vông đồng. Nơi đây, chúng đã lùa về ước chừng gần sáu mươi người: ông già, bà lão, phụ nữ và trẻ em. Tuyệt đối không có một bóng dáng đàn ông thanh niên nào. Gia đình tôi đến sau cùng. Đứng ngoài khung cửa sổ, một tên rút chốt lựu đạn định ném vào chúng tôi. May thay, có một tên lính khác bị thương chỉ còn một mắt chạy đến ngồi giữa chúng tôi cản ngăn. Cuộc thảm sát bất thành, bọn chúng lùa chúng tôi đến gần chợ Gò Bồi. Trên mặt sông nước cuồn cuộn chảy có chiếc xà-lan neo sẵn. Chúng tôi lần lượt bị lùa lên xà-lan đưa qua sông. Khi xà-lan ra giữa dòng, tôi chợt thấy mặt nước sông đổi sang màu đỏ, nhìn lên xóm làng, lửa đã cất lên thành nhiều cột cao: giặc đốt làng tôi! Sau này tôi được biết, từ ngôi nhà tôi trở lên (thuộc xóm Tân Tây) bà con còn sống sót, từ ngôi nhà tôi trở xuống (thuộc xóm Tân Trung) bọn địch bắn và chôn tập thể 52 người vô tội!

Giờ đây, nhìn đám trẻ vô tư tranh nhau chạy đến gốc cây vông đồng xưa, nhặt những quả khô để làm bánh xe chơi, tôi lại nghĩ thầm: nếu lúc đó không trùng ngày rằm, ông tôi không gõ mõ, tụng kinh, tên lính bị thương ở mắt không chạy đến ngồi với mọi người thì con số 52 người bị thảm sát kia sẽ lên đến hơn 100, và chắc giờ này tôi đã không còn nữa để ghi lại câu chuyện đau lòng này.
Gò Bồi giờ đây đã đổi mới nhiều. Cầu Gò Bồi được xây lại vững chắc. Bưu điện văn hóa xã nâng cấp, làm cầu nối thông tin với mọi miền. Chợ Gò Bồi được xây dựng có mái che mưa che nắng. Du khách đến tham quan Gò Bồi chạy ô tô bon bon trên đường liên xã, liên thôn được bê tông sạch sẽ. Con đường bê tông từ cầu Gò Bồi chạy đến đê ngăn mặn khu Đông có ta-luy kiên cố. Với vành đai vững chắc, đê ngăn mặn khu Đông bảo vệ những cánh đồng cò bay thẳng cánh qua các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Trong tương lai Gò Bồi sẽ là một điểm trong tour du lịch của tỉnh trước khi đến Núi Bà, Nhơn Lý. Đặc biệt Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu nằm bên bờ sông thơ mộng, sẽ là điểm dừng của những khách yêu thơ.


Nhà Lưu niện nhà thơ Xuân Diệu bên dòng sông Gò Bồi (2/3 ảnh , tính từ trái sang phải)


Dẫu chỉ là ước vọng, tôi cũng như mọi người dân nơi đây, vẫn mơ một ngày làng nghề truyền thống làm nước mắm được phục hồi. Mặc dù điều kiện làm nước mắm thật khó khăn, nhưng với tấm lòng yêu nghề, kính trọng tổ tiên, một số gia đình cố giữ nghề truyền thống của cha ông. Họ vẫn tiếp tục sản xuất, tiêu thụ trên quy mô nhỏ hoặc để biếu người thân. Người quê chúng tôi đi xa, nhớ quê, nhớ đặc sản nước mắm. Đến thăm và biếu một vài chai nước mắm ngon - nước ép, thì họ quý hơn cả những món đắt tiền.

Nước mắm nào ngon bằng nước mắm Gò Bồi

Đã thơm lại ngọt, ăn rồi nhớ lâu.

. Nguyễn Chơn Hiền

2 nhận xét:

  1. Vào trang mạng này, được thưởng thức thơ - văn - nhạc - họa... Cảm ơn Chơn Hiền.

    Trả lờiXóa
  2. Vào trang mạng này, được thưởng thức thơ - văn - nhạc - họa... Cảm ơn Chơn Hiền.

    Trả lờiXóa