LỜI CHÀO

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Thơ

VIẾT GIỮA ĐÊM MƯA

Mưa đầu mùa. Nhà dột. Nước dâng
Gà ướt ổ. Đàn con chiêm chíp
Vợ chịu ướt. Con tròn giấc điệp
Ta chong đèn. Viết tiếp câu thơ


                                                  Những dòng thơ chảy giữa giấc mơ
                                                  Cô tấm nhỏ với con là một
                                                  Ta sẽ gặp ông tiên thật tốt
                                                   Vung đũa thần - nhà dột lại khô
Những dòng thơ chảy giữa đêm mưa
Rơi, rơi mãi
                     tiếng buồn nhỏ giọt
Trời còn khóc vì nhà còn dột
Đời còn buồn, thơ chẳng thể vui
                                                    Mưa ơi mưa! khóc thế vừa chưa
                                                    Hãy khe khẻ: Ru con tròn giấc
                                                    Hãy du dương: An ủi vợ hiền
                                                    Để ta thức - làm thơ chờ sáng.
                                                                                                      22/9/1997

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Thơ


EM HÃY VỀ THÔI


Em qua phố mắt còn ngái ngủ
Như vầng trăng lá úa đầu non
Tóc liễu rũ trong mưa vần vũ
Ngực chảy xuôi năm tháng mõi mòn


Mắt thâm quầng sau lớp phấn son
Em đi về như kẻ vô hồn
Nhà lắm chỗ không nơi để ở
Chồng trăm người không có con hôn


Rồi một mai dáng ngọc hon
Ai sẻ chia quạt nồng trưa hạ
Đắp thêm chăn đêm đông lạnh giá
Cài hộ em khuy áo sau lưng


Em bây giờ quá đổi dửng dưng
Mặc gió - mưa - sáng - trưa - chiều - tối
Bên gối êm trong căn phòng đợi
Say vui cùng ong bướm lả lơi…


Dừng lại em ơi, dừng lại thôi!
Về với anh làm lại cuộc đời
Hoa phai sắc nhưng hương vẫn thắm
Yêu nồng nàn tình lại lên ngôi.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Thơ

THUYỀN GIẤY



Em thả thuyền trôi giữa lòng sân

Người qua kẻ lại biết bao lần

Chênh chao thuyền lật em hờn dỗi

Đổ lỗi tại người đến khua chân



Ôi nhớ chao ôi mắt trong ngần

Đổ lỗi trời xanh tội phong vân

Làm sao tìm lại hình bóng cũ

Những chiếc thuyền tình trôi chông chênh



Tìm em trên cánh sóng bập bềnh

Tìm trong hoang vắng với buồn tênh

Bao mùa mưa lũ bao mùa lũ

Có những con thuyền trôi không tên



Một đời chèo chống cũng không nên

Có lẽ bây giờ em đã quên

Ngàn con thuyền giấy anh đã xếp

Biết tìm em đâu để mà đền

NGUYỄN CHƠN HIỀN

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Hoa sữa


HOA SỮA

Hoa sữa nở trắng trời đông giá
Mưa bão bùng gió vuốt ngực em
Đời vô tình hay em vội vã
Để dòng trôi quật ngã trong đêm

Anh thương em xa xót bên thềm
Lặng lẽ nở dâng hương mời mọc
Lặng lẽ trao cho đời ngà ngọc
Sống vô tư không chút ưu phiền

Anh ngắm em trong trắng dịu hiền
Ghen với phố sẻ chia hương ngát
Ghen với ai đêm nay đứng hát
Thầm nguyện cầu: hoa sữa thôi rơi

Gọi mùa

Gọi mùa
Thức chưa chim sẻ hiên nhà
Hót lên giai điệu hoang ca gọi ngày
Mấy tuần qua trời đã say
Cùng ta ngất ngưỡng tầng mây vì nàng
Xin trời chút nắng dịu dàng
Em thôi liếc dọc liếc ngang nhà người
Trao ta một nụ cười tươi
Sưởi lòng ấm lại cho đời thêm vui
Lạy trời
thôi khóc sụt sùi
Van em
 đừng có ngậm ngùi
nhìn ta
Mốt mai em có sang nhà
Đừng đem hoa quả làm quà nữa chi
Em sang
đem cả xuân thì
Hoa xinh, quả ngọt còn gì sánh hơn
Giật mình
em lại dỗi hờn
Trời còn ghen tức môi son nhạt nhòa
Tung chăn
ra ngắm vườn hoa
Trời se se lạnh xít xoa
gọi mùa
NGUYỄN CHƠN HIỀN

Chiều mưa


CHIỀU MƯA

Mưa giăng mắt em đi chiều tiễn biệt
Bản tình ca dậy khúc ru buồn
Mưa vẫn chảy dầm dề trên lá biếc
Lệ sầu thương thổn thức ngập ngừng tuôn

Trời thu xưa vầng  trăng màng muộn
Gió heo may đánh thức tình nồng
Thuyền tình ta trôi giữa dòng sông
Tình ta đẹp như Thiên tình sử

Bên Chức Nữ  tóc dài dệt lụa
Ngưu Lang say quên mất đường về
Ta cùng nhau nói chuyện sơn khê
Ôi tháng Bảy… tìm đâu ngày cũ

Chiều nay đi trong mùa mưa lũ
Đất trời say gió quật mưa giăng
Ta tìm đâu sắc tím bằng lăng
Tặng tiễn biệt người yêu lần cuối

Ta trở về một mình lầm lũi
Bản tình ca dậy khúc ru buồn
Ta giật mình mưa ghé môi hôn
Chiều tiễn biệt lòng buồn da diết.

NGUYỄN CHƠN HIỀN

Hoang dã giữa thiên nhiên

EO GIÓ NHƠN LÝ- Thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ

Thả bộ qua bãi đá trứng, dọc theo vách núi, bạn dễ dàng nhận thấy những hang động mà thiên nhiên khéo kiến tạo rất đặc trưng theo dạng hàm ếch, hình vòm, lô nhô những nhũ đá  nhiều màu với nhiều hình tượng mang dáng vẻ gợi cảm, phù hợp với du khách dừng chân trú nắng, trú mưa, nghỉ ngơi sau mỗi lần vãn cảnh Eo Gió. Hướng về Tây là những hang động có nhiều chim làm tổ, trú ngụ quanh năm, cho ra những giá trị xuất khẩu.



>
Giếng Tiên (bên biển, nhưng nước lại ngọt và trong vắt)


Đến  Eo Gió bạn còn thấy một vách núi thẳng đứng có một dòng nước suối trong xanh, mát ngọt (mạch ngầm thấm từ trên cao và dồn lại một hố tròn), mỗi lần múc chỉ một bát nước, nhân dân địa phương gọi là Giếng Tiên. Sau 5 năm, nay tôi trở lại thì hố tròn đó đã được nâng cao để chứa lượng nước nhiều hơn, có thể ngâm mình hoặc khoát nước rửa mặt rất sảng khoái, hồn bay theo gió, quên hết mệt nhọc, cảm thấy yêu đời hơn.


Biển trong xanh, thấy là muốn nhảy ùm xuống

Đến tham quan Eo Gió, bạn nên chọn thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, khi "tháng giêng động dài, tháng hai động tố" đã qua, nhường chỗ cho" tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non" đến. Ở thời điểm này trời xanh, biển lặng, quần thể Eo Gió được che chắn bởi dãy núi hình cánh cung từ Đông sang Tây, tạo cho lòng vịnh luôn kín gió, mặt nước biển êm đềm lăn tăn  từng con sóng nhỏ vỗ nhẹ vào từng phiến đá rả rích nghe rất êm tai.


Các bạn quan sát kỹ từ trên xuống (bên trái ảnh) có hình chân dung "tráng sĩ" đang cúi mặt, vị trí người tham quan đứng là phần ngực chàng tráng sĩ.
Nếu ta nhìn ngược lại sẽ là chân dung "thiếu nữ buồn". Rất tiếc là thời điểm tôi chụp bị ngược sáng
(do máy ảnh chất lượng chưa cao) nên không thể thực hiện được. Ở góc nhìn này thì giống hệt chân dung do một tác giả điêu khắc thời tiền sử tạc vậỵ  Hai chân dung này do tôi phát hiện từ một chuyến đi thâm nhập thực tế đế sáng tác tranh, cách đây 20 năm và đặt tên cho hai chân dung (nhân dân địa phương đến giờ vẫn chưa biết).




Eo Gió hiện là thắng cảnh đẹp của thành phố Quy Nhơn có giá trị về du lịch tham quan. Bạn muốn đến Eo Gió hãy đi qua cầu Thị Nại (cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, tôi sẽ đưa bạn tham quan ở bài viết khác) theo đường 639 đến ngã ba Nhơn Hội chừng 10km, rồi rẽ theo hướng tay phải đi trên đường trục đã trải nhựa (mặc sức xe ta bon bon trên dặm đường) thẳng tắp khoảng 5km nữa là đến trung tâm xã Nhơn Lý, từ đó  bạn gửi xe rồi thong thả đi bộ khoảng 200m là đến Eo Gió. Bạn cũng có thể đi theo tỉnh lộ 639 (tuyến đường ven biển) từ Tam Quan, (Hoài Nhơn) đến Phù MỸ - Phù Cát - Quy Nhơn và tỉnh lộ 640 - 635 đến tỉnh lộ 639 về hướng cầu Thị Nại tới ngã ba Nhơn Hội rồi rẽ trái cũng đến được Eo Gió.


HẦM HÔ - Nét đẹp giữa đại ngàn

Hầm Hô nằm ở thôn Phù Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 55km về phía Tây nam. Đây là một dải liên hoàn bậc thang gồm: suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài gần 2km men theo vùng hạ lưu sông Kôn. Khởi hành từ thành phố Quy Nhơn  theo quốc lộ IA  về hướng Tây Bắc, đến quốc lộ 19 thì rẽ vào đi về phía huyện Tây Sơn, vùng đất của vương triều áo vải, từ đây đi thêm hơn 5km nữa là bạn sẽ đến vùng đất sơn thủy kỳ thú này. Đến Hầm Hô, bạn không chỉ đắm mình trong cảnh sắc núi non hùng vĩ mà còn được tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.

Trên lòng sông mùa khô, đá nổi lên với nhiều hình dạng như đàn voi đang tắm..


 Vào mùa nước cạn và những ngày trời trong xanh, khi những tia ban mai rọi xuống, những khối  đá ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như hàng vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Mỗi khối đá mang một hình  dạng riêng, chấp cánh cho trí tưởng tượng của du khách: đá lớn, đá nhỏ, khối vuông, khối tròn, có khối hình tựa như đàn voi đang tắm, có những dãy đá như đàn ngựa đang phi... Những tảng đá khổng lồ nhẳn thín này được tạo thành  bởi thời gian và  và dòng nước qua hàng triệu năm sẽ là điểm dừng chân thú vị cho các bạn sau một thời gian dài bềnh bồng trên những chiếc thuyền nhỏ.
Mùa mưa cá từ sông Kôn ngược dòng lên nguồn Đá Hàng để sinh đẻ và phải qua thác Hầm Hô mới lên được nguồn. Tương truyển rằng xưa kia, hàng trăm cá tề tựu về đây để vượt thác con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay tác Vũ Môn. Ngoài ra, trứng kiến vàng là một món ăn chỉ độc nhất vào sâu trong Hầm Hô mới có. Đây vừa là thứ đặc sản hiếm có, vừa là phương thuốc chữa được nhiều bệnh tật.

Nếu muốn, bạn có thể ở lại thêm một ngày, trèo đá, vượt thác, men theo những đường mòn hoang sơ dọc theo hai bừ sông Kôn lên đến Thác Dốc, Hòn Trào, ngủ đêm tại đây để sáng hôm sau đón những tia nắng bình minh xuyên qua kẻ lá, phản chiếu trên mặt nước Hầm Hô giữa muôn vàn âm thanh ríu rít của chim muông hòa vào không gian huyền bí, gió hú mây ngàn.


Vạn Gò Bồi

Vạn Gò Bồi, nơi hạ lưu chi nhánh của sông Côn trước khi đổ ra biển, ngày xưa là biển cả (từ cửa Cách Thử lên đến Nhơn Hạnh ngày nay). Những chấn động cùng với thời gian cửa Cách Thử bị lấp, phù sa sông Côn bồi dần thành Gò Bồi - Tùng Giản và các thôn kế cận: Kim Giản, Tân Giản và Huỳnh Giản. Thị trấn Gò Bồi thuộc làng Tùng Giản xã Phước Hòa, Tuy Phước. Làng Tân Giản nằm gối đầu làng Tùng Giản thành làng ven sông từ thế kỷ 16.


Vạn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Di tích chùa Ông, chùa Bà (bên trục đường Gò Bồi đi Phước Thắng) vẫn lưu lại trong tâm trí của những bậc cao niên. Làng nghề làm nước mắm truyền thống đã có trên hai trăm năm. Hằng năm, khi gió nồm bắt đầu thổi, tháng 2 âm lịch là đầu mùa ghe. Thuyền buồm từ miền Nam (Phan Rang, Phan Thiết) lên vạn Gò Bồi, tháng 3 là rộ nhất. Khách lạ đến từ bên kia sông là đã ngửi mùi mắm rồi. Mùi mắm đã len vào lòng nôi cho đến khi khôn lớn, khiến Xuân Diệu bồi hồi:

Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi

Nên đến giờ thơ anh vẫn đậm đà thấm thía.

Khi tôi sinh ra, không còn thở hơi nước mắm ngon, không còn ghe bầu theo gió nồm đến Gò Bồi và trở về khi gió nam. Con sông quê ngày một cạn dần, ghe bầu không vào được nữa nhưng dấu ấn một thời vẫn là niềm tự hào, nhất là những người sống xa quê nghĩ về quê hương. Con sông quê bồi đắp phù sa, nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên từng ngày vậy mà đã có lúc cuộn máu đào tuôn chảy…

Tôi còn nhớ như in một sáng mùa đông năm 1966. Trời trở rét. Mưa phùn lất phất bay. Ông tôi đốt nến, thắp sáng các trang thờ, chuẩn bị gõ mõ tụng kinh theo thông lệ vào ngày rằm hằng tháng. Bỗng đâu, xuất hiện hai tên lính Nam Triều Tiên lăm lăm súng trên tay xồng xộc vào nhà. Thấy ông tôi đốt nến, hai tên lính hạ súng. Đợi ông tôi cúng xong chúng lại dí súng vào ông tôi, cả bà tôi và anh chị em tôi ra lệnh: Đi! Bà tôi chỉ kịp vơ vội chiếc khăn choàng, quấn cổ và đầu cho tôi đỡ rét. Bà cõng tôi trên lưng, bước đi trong giá rét heo may. Chúng lùa gia đình tôi đến ngôi nhà tranh vách đất, cạnh cây vông đồng. Nơi đây, chúng đã lùa về ước chừng gần sáu mươi người: ông già, bà lão, phụ nữ và trẻ em. Tuyệt đối không có một bóng dáng đàn ông thanh niên nào. Gia đình tôi đến sau cùng. Đứng ngoài khung cửa sổ, một tên rút chốt lựu đạn định ném vào chúng tôi. May thay, có một tên lính khác bị thương chỉ còn một mắt chạy đến ngồi giữa chúng tôi cản ngăn. Cuộc thảm sát bất thành, bọn chúng lùa chúng tôi đến gần chợ Gò Bồi. Trên mặt sông nước cuồn cuộn chảy có chiếc xà-lan neo sẵn. Chúng tôi lần lượt bị lùa lên xà-lan đưa qua sông. Khi xà-lan ra giữa dòng, tôi chợt thấy mặt nước sông đổi sang màu đỏ, nhìn lên xóm làng, lửa đã cất lên thành nhiều cột cao: giặc đốt làng tôi! Sau này tôi được biết, từ ngôi nhà tôi trở lên (thuộc xóm Tân Tây) bà con còn sống sót, từ ngôi nhà tôi trở xuống (thuộc xóm Tân Trung) bọn địch bắn và chôn tập thể 52 người vô tội!

Giờ đây, nhìn đám trẻ vô tư tranh nhau chạy đến gốc cây vông đồng xưa, nhặt những quả khô để làm bánh xe chơi, tôi lại nghĩ thầm: nếu lúc đó không trùng ngày rằm, ông tôi không gõ mõ, tụng kinh, tên lính bị thương ở mắt không chạy đến ngồi với mọi người thì con số 52 người bị thảm sát kia sẽ lên đến hơn 100, và chắc giờ này tôi đã không còn nữa để ghi lại câu chuyện đau lòng này.
Gò Bồi giờ đây đã đổi mới nhiều. Cầu Gò Bồi được xây lại vững chắc. Bưu điện văn hóa xã nâng cấp, làm cầu nối thông tin với mọi miền. Chợ Gò Bồi được xây dựng có mái che mưa che nắng. Du khách đến tham quan Gò Bồi chạy ô tô bon bon trên đường liên xã, liên thôn được bê tông sạch sẽ. Con đường bê tông từ cầu Gò Bồi chạy đến đê ngăn mặn khu Đông có ta-luy kiên cố. Với vành đai vững chắc, đê ngăn mặn khu Đông bảo vệ những cánh đồng cò bay thẳng cánh qua các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Trong tương lai Gò Bồi sẽ là một điểm trong tour du lịch của tỉnh trước khi đến Núi Bà, Nhơn Lý. Đặc biệt Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu nằm bên bờ sông thơ mộng, sẽ là điểm dừng của những khách yêu thơ.


Nhà Lưu niện nhà thơ Xuân Diệu bên dòng sông Gò Bồi (2/3 ảnh , tính từ trái sang phải)


Dẫu chỉ là ước vọng, tôi cũng như mọi người dân nơi đây, vẫn mơ một ngày làng nghề truyền thống làm nước mắm được phục hồi. Mặc dù điều kiện làm nước mắm thật khó khăn, nhưng với tấm lòng yêu nghề, kính trọng tổ tiên, một số gia đình cố giữ nghề truyền thống của cha ông. Họ vẫn tiếp tục sản xuất, tiêu thụ trên quy mô nhỏ hoặc để biếu người thân. Người quê chúng tôi đi xa, nhớ quê, nhớ đặc sản nước mắm. Đến thăm và biếu một vài chai nước mắm ngon - nước ép, thì họ quý hơn cả những món đắt tiền.

Nước mắm nào ngon bằng nước mắm Gò Bồi

Đã thơm lại ngọt, ăn rồi nhớ lâu.

. Nguyễn Chơn Hiền