ẤN TƯỢNG PHÒNG TRANH TRIỂN LÃM TRANH SƠN DẦU
CỦA HỌA SĨ CHƠN HIỀN
Ngọc Tú
Đây là lần thứ ba họa sĩ Chơn Hiền triển lãm tranh cá nhân, và lần này phòng triển lãm của anh có nhiều nét mới hơn so với hai lần trước. Nếu ở lần thứ nhất, anh tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, đất nước và con người Bình Định; lần thứ hai, anh khai thác vẻ hoang sơ, kỳ bí của vùng đất Tây Nguyên và sự hiền hòa yên ả của làng quê Việt Nam, thì ở lần thứ ba này, 35 bức tranh sơn dầu được vẽ từ những hồi ức xa xưa và những trăn trở trước các vấn nạn hiện nay của xã hội. Xem tranh, người thưởng lãm như nhìn thấu tâm can của một người họa sĩ luôn ý thức cao về nghề và nghiệp cầm cọ của mình.
1. Họa sĩ Chơn Hiền sinh năm 1962 tại thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của anh gắn liền với tiếng sáo diều vi vu những buổi trưa hè, với làn khói lam chiều, với bờ sông, bến nước, với mùi thơm của lúa trổ đồng hay nồi cơm lúa mới nấu còn nóng hôi hổi bốc hơi thơm nức mũi. Quê hương của anh cũng chính là quê ngoại của thi sĩ nổi tiếng Xuân Diệu, mà có lần ông đã bộc bạch lòng mình rằng: “Đêm ngủ ở Tuy Phước mà không ngủ/ Thức với quê hương như thế đã vừa đâu”.
Phòng tranh triển lãm lần thứ ba này anh đặt chủ đề là Hòa sắc. Tên cho chủ đề cuộc triển lãm và việc trưng bày chuyên về chất liệu sơn dầu là những nét mới so với hai lần triển lãm trước. Đặc biệt không tìm thấy hình ảnh khỏa thân nữ, duy nhất một tác phẩm vay mượn phù điêu nghệ thuật của Chăm-pa để tôn vinh di sản văn hóa dân tộc. Điều mà người xem sẽ nhận ra là Hòa sắc trong phòng tranh khá phong phú. Sự thay đổi gam màu trong mỗi tác phẩm đã dẫn dắt người xem như đang sống từ mùa xuân sang mùa hạ, từ mùa hạ sang mùa thu và mùa thu sang mùa đông.
Trong số 35 tác phẩm sơn dầu tuyển chọn (có tác phẩm đã trưng bày tại triển lãm Khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên), với nhiều kích thước lớn nhỏ, Chơn Hiền đã thể hiện thật phong phú đề tài và đa dạng cách biểu đạt. Nhưng phần lớn trong số ấy được lấy ra từ những hồi ức gắn liền với quãng đời của họa sĩ.
Những hồi ức sâu đậm về tuổi hoa niên hồn nhiên, vô tư, đã được họa sĩ đưa vào tranh một cách tự nhiên, mộc mạc, mang lại cảm giác gần gũi, chân thật với người xem. Phòng tranh lần trước ký ức về quê hương được họa sĩ phác họa đậm đặc qua hình ảnh bà mẹ quê trong chiếc áo bà ba giản dị, đứng trước hiên nhà mắt đăm đắm xa xôi như đang nhớ thương những đứa con xa xứ. Đã từ lâu, người ta gắn hình ảnh quê hương với người mẹ, như nhắc nhở người đi xa rằng: Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người. Lần này hình ảnh, bà mẹ quê được Chơn Hiền khắc họa rất đậm chất Bình Định, dễ nhận ra đó chính là một bà mẹ ở Vạn Gò Bồi, một ngôi làng nhỏ ven sông, nơi có dòng sông Gò Bồi một năm hai mùa nước: đục ngọt, mặn trong. Nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống. Nhà thơ Xuân Diệu đã tự hào viết về hai đấng sinh thành của mình: “Ông cụ đồ nho lấy cô hàng nước mắm”. Có lẽ với họa sĩ Chơn Hiền, hình ảnh người mẹ quê luôn đi liền với nghề làm nước mắm nức tiếng ấy. Chẳng thế mà tác phẩm của anh không chỉ có người mẹ mà xung quanh đó còn là những lu, tỉn dùng để muối mắm. Cái khéo của người họa sĩ “lão luyện” này là ở cách chọn bối cảnh thật phù hợp - một cái sân cát, nơi mẹ ngày hai buổi đem nước mắm ra dang, những mong khi đến tay người dùng, nước mắm sẽ thơm, ngon đúng như mong muốn của mình.
Bên cạnh nỗi nhớ về mẹ, ký ức tuổi thơ như chợt vỡ òa trong tác phẩm “Nắng trong vườn”. Điểm xuyết rất nhiều sinh hoạt của thời thơ ấu ở nông thôn này là hình ảnh những chú trâu, chú bò đang ung dung gặm cỏ, những ụ rơm vàng từng là nơi diễn ra trò chơi trốn bắt, ú tim. Và ta như nghe thấy cả tiếng mèo mướp luôn miệng meo meo trong góc bếp. Nổi lên cả là hình ảnh các em bé nông thôn hồn nhiên, vô tư chơi các trò chơi dân gian, miệng nghêu ngao hát những khúc đồng dao học lõm từ người lớn. Người thưởng lãm như bắt gặp đâu đó những hình ảnh thật thân thuộc, mà bản thân từng trải qua hoặc đã chứng kiến ở một nơi nào rồi. Bức tranh nông thôn được họa sĩ dựng lên mới hiền hòa, yên ả làm sao. Ở chốn chân quê ấy, tình cảm bạn bè gắn bó thắm thiết, con người với thiên nhiên, với vật nuôi gần gũi, quyến luyến đến nhường nào. Đó là lý do vì sao ký ức đã trôi qua hàng chục năm, nhưng vẫn còn bổi hổi bồi hồi trong lòng người nghệ sĩ luôn hướng về quê hương như anh.
Ký ức đó còn thấm đẫm những mất mát đau thương trong thời chiến và hòa cùng không khí nhộn nhịp, khẩn trương dựng xây thời bình. Ở tác phẩm “Ngày mùa”, tác giả đã chọn bối cảnh là xã Phước Thắng một cách đầy ẩn ý. Vì Phước Thắng trước kia thuộc khu Đông huyện Tuy Phước, một thời bom đạn, là nơi“quê hương chín áo một quần” đi vào ca từ của nhạc sĩ Châu Đức Khánh: “Ai qua miền khu Đông đó/ Còn nhớ chăng Phước Thắng năm nào/ Chiến công biết mấy tự hào”... còn bây giờ trong tranh là hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng, chiếc máy tuốt lúa làm việc hết công suất, cho ra những hạt thóc mây mẩy, vàng ươm, người dân hăng say lao động sản xuất, áp dụng công nghiệp hóa đem lại năng suất cao. Vết thương chiến tranh đang dần lành lặn trên những miền quê Bình Định, đời sống người dân quê ngày càng sung túc, ấm no.
Xem tranh Chơn Hiền ta thấy hồi ức về quãng đời đã qua cứ lần lượt hiện về. Từ thời thơ ấu đến những tháng năm xa nhà, khăn gói ra miền đất thần kinh học Mỹ thuật. 8 năm có thể là quãng thời gian không dài. Nhưng nếu sống ở một vùng đất trầm mặc, cổ kính, cộng với một tâm hồn nghệ sĩ đầy nhạy cảm, thì không biết bao nhiêu kỷ niệm đọng lại trong ký ức. Họa sĩ Chơn Hiền từng tâm sự: “Cái “nghiệp” cầm cọ gắn vào tôi từ cái thuở chưa hình dung ra vẽ vời là gì. Chỉ có điều mỗi khi cầm tờ báo hay cuốn sách, việc đầu tiên tôi làm là tìm xem những hình ảnh bên trong. Về sau, tôi tập tò nhại lại nét vẽ của các họa sĩ trong báo Mực tím, Tuổi hoa... Vẽ được rồi thì thấy thích lắm. Thời gian xuống Quy Nhơn học, đường từ nhà đến trường ngang qua các tiệm vẽ ở đường Lê Hồng Phong, không lần nào tôi chịu đi thẳng. Ngang qua đó, thể nào cũng phải dừng lại năm, mười phút. Có hôm đứng sững lại, mắt chăm chăm nhìn vào những bức tranh mới hoàn thành, hay mê mải đưa mắt theo tay cầm cọ điêu luyện của người họa sĩ. Mơ ước trở thành một họa sĩ theo thời gian cứ lớn dần trong tôi”.
2. Tám năm ở Huế đã đủ để anh cảm nhận được hồn Huế, sắc màu Huế. Vẫn nét trầm mặc cổ kính bất di bất dịch nhưng Huế trong tranh Chơn Hiền pha chút lãng mạn, nhẹ nhàng, tôn vinh những di tích có giá trị ngàn đời của dân tộc. Tác phẩm “Hoài niệm mùa thu” phác họa chiếc cổng Hòa Bình (1 trong 4 chiếc cổng của khu Đại nội) trong tiết trời thu đầy nắng và lá vàng vương vãi. Chiếc cổng năm tháng rêu phong, vẫn sừng sững nhưng không thô bởi đang lung linh, duyên dáng soi bóng xuống dòng Ngự Hà* trong vắt phía trước. Bốn bên là những cây vảy ốc, sấu, phượng hoặc xà cừ rủ bóng, tạo sự mềm mại và lãng mạn cho toàn cục bức tranh. Họa sĩ cho biết, cổng Hòa Bình là nơi các sinh viên thường rủ nhau ra ngồi, để chuyện trò, để lấy cảm hứng sáng tác, và để thấy lòng thật nhẹ nhàng sau những căng thẳng, mệt mỏi.
Trong số những tác phẩm vẽ về Huế, anh dành khá nhiều cảm xúc diễn tả sự “hỉ, nộ, ái, ố” của thiên nhiên thông qua những tia nắng, hạt mưa. Sự biến đổi thất thường của thời tiết được ví von như cái thói “đỏng đảnh” của cô gái xuân thì khi có nhiều chàng trai dòm ngó. Thời gian sau khi ra trường, về công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, rồi trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, có cơ hội thăm thú nhiều nơi, anh vẫn không thể quên khung cảnh từng trải qua ở Huế. Hãy thử làm một so sánh nhỏ giữa những bức tranh miêu tả cảnh mưa, nắng giữa Huế và Hội An, sẽ nhận ra họa sĩ đã dày công quan sát và cảm nhận sự thay đổi của trời đất như thế nào. Mưa Huế được anh miêu tả thật nhẹ nhàng, chỉ là những hạt mưa li ti bay bay, làm ướt mái tóc dài buông xõa bờ vai của thiếu nữ thướt tha trong chiếc áo dài tím rất Huế, làm nền gạch ở cổng phụ của Chùa Thiên Mụ loang loáng nước. Và cơn mưa ấy thật dai dẳng, chẳng lúc nào chịu thoáng qua, cứ như sợ qua nhanh sẽ chẳng còn ai nhớ đến mình.
Trong khi đó, mưa ở phố cổ Hội An thật dữ dội và mạnh mẽ. Từng làn mưa giăng mắt khắp nơi, thoáng cái đã thấy phố xá lênh láng nước. Mưa tạnh, trên tường nhà vẫn còn loang lổ những giọt nước mưa thành vệt dài. Trên mái nhà cổ kính, nước mưa đang nhỏ tong tong rồi phút chốc im bặt.
Có nhiều thời gian đi lại Hội An để công tác, họa sĩ Chơn Hiền tỏ ra thích thú với cái nắng của phố cổ. Nắng ở đây không gắt, nhưng khá tinh nghịch khi luôn tìm cách đọng lại thật lâu trên mái ngói rêu phong, mảng tường vôi vữa hoặc len qua những viên gạch vỡ để vào trong nhà. Tác phẩm “Nắng mai” thật vui tươi, khi trong nắng sớm, người thưởng lãm như thấy được cảnh mùa xuân với những dây hoa bích thanh lòa xòa buông thõng mình trên các mái nhà. Con người vui tươi chào đón nắng mới. Nắng mưa xưa nay là lẽ tự nhiên của trời đất, nhưng vào tranh của Chơn Hiền, chúng như có tính cách. Lúc dữ dội, khi dịu êm. Chính những điều đó tạo sự sống động và sức hấp dẫn riêng cho mỗi bức tranh. Và để có được sức hấp dẫn đó còn cần cả nội lực với bút pháp điêu luyện của một cây cọ nắm vững kỹ thuật sơn dầu, một chất liệu vốn du nhập từ châu Âu, được nhiều họa sĩ Việt Nam thích sử dụng nhưng ít thành công.
3. Có công bằng không, khi nói rằng làm công tác quản lý về mỹ thuật là một lợi thế của họa sĩ Chơn Hiền, vì nó giúp anh có cái nhìn toàn cục và cập nhật được nhiều thông tin về thế giới cũng như những diễn biến trong xã hội. Nhờ vậy mà mảng đề tài khai thác của anh luôn sâu, rộng và toàn diện. Có lẽ điều này ít nhiều cũng mang lại tác dụng nhất định, nhưng trên hết là tính cách của con người mới có thể duy trì lâu bền và phát huy hiệu quả.
Hãy thử nhìn lại những cuộc triển lãm của các họa sĩ ở Bình Định, nữ họa sĩ Lan Hương chọn mảng đề tài về người phụ nữ, họa sĩ Quốc Hùng theo mảng Chămpa, họa sĩ Anh Hộ theo mảng Tây Nguyên, riêng chỉ Chơn Hiền đi theo hướng đa phong cách. Bảo rằng, anh “tham lam” trong mỹ thuật thì hơi oan, chứ “cuộc sống muôn màu muôn vẻ, sao ta lại làm ngơ để chú tâm vào riêng một đề tài nào đó”, anh tâm sự vậy. Nhưng cũng vì tính tham ấy đã tạo nên một Chơn Hiền luôn lung linh sắc màu và mới lạ, không nhàm chán cũ kỹ. Bằng chứng là cả ba lần triển lãm cá nhân của anh, không lần nào giống lần nào. Với Hòa sắc, ngoài những tác phẩm đi ra từ ký ức, còn có khá nhiều “đứa con tinh thần” được thai nghén từ những trăn trở của họa sĩ trước các vấn nạn xã hội như ô nhiễm môi trường (Lời cảnh báo từ Tứ Xuyên), ô nhiễm nguồn nước (Đất ngập nước), Trái Đất nóng lên (Tiếng kêu cứu của muôn loài khi Trái Đất nóng lên), dịch cúm gia cầm (Mầm dịch cúm gà), bảo vệ di sản (Tìm về di sản, Ký ức kinh thành xưa, Chùa cầu Hội An…), chất độc da cam (Vượt lên nỗi đau)… Những tác phẩm này cho thấy tinh thần trách nhiệm của người cầm cọ, bằng cách góp sức mình tuyên truyền về những vấn đề nhức nhối, để mọi người hiểu thêm về tác hại của chúng.
Trêu Chơn Hiền rằng, anh làm công tác quản lý lâu năm, có bao giờ sợ cứng tay cầm cọ không. Anh cười hiền và đáp lại rất chân thật: “Cũng vì lo về điều đó nên tôi không bao giờ xa cây cọ cả. Trừ thời gian dành cho công việc ở cơ quan, về nhà rảnh rỗi lúc nào là tôi cầm cọ ngay. Nhất là những khi cảm xúc ngập lòng, tôi có thể vẽ miệt mài cả ngày lẫn đêm. Quan điểm của tôi vẽ là một cách giãi bày, gỡ rối tâm tư của chính mình, không nhất thiết là vẽ rồi thì phải trưng bày triển lãm. Tôi cũng như các họa sĩ khác đều giống nhau ở quan điểm là một khi đã thai nghén đứa con tinh thần thì đều tâm đắc với nó. Nhưng sau khi sinh nở xong thì lại muốn thai nghén đứa con khác. Chính sự vô lý này mà nguồn sáng tạo của người họa sĩ không bao giờ cạn. Nghệ thuật là vô hạn nhưng khả năng biểu đạt ở mỗi cá nhân thì hữu hạn, sự cảm thông, sẻ chia là điều mà tôi luôn tâm niệm và khắc ghi từ đồng nghiệp và khách thưởng lãm nghệ thuật để cầu tiến”.
Trong suốt quãng đường làm nghệ thuật, Chơn Hiền đã gặt hái rất nhiều thành công với nhiều giải thưởng lớn trong tỉnh, khu vực và Trung ương, được giới mỹ thuật cả nước biết đến và quý mến. Vậy nhưng, anh chưa bao giờ có ý định dừng lại để nghỉ ngơi, vì sáng tạo nghệ thuật, với anh là con đường không có điểm cuối, là cứ luôn phải thử sức mình để nâng cao hơn bút pháp nghệ thuật.
Khi hỏi về kế hoạch sáng tác mới, không do dự, anh trả lời ngay: “Tôi mong muốn sẽ tìm được những người bạn nghề đồng hành sẻ chia với tôi trên hành trình đi tìm cái đẹp cực kỳ gian khổ nhưng cũng đầy đam mê trong thế giới sắc màu diệu kỳ mộng ảo. Sau lần triển lãm này tôi dự định chuyển sang sáng tác chất liệu khác, đó là tranh lụa - sở trường mà tôi đã lựa chọn khi thi vào chuyên khoa mỹ thuật và đã thành công khi còn ở ngưỡng cửa đại học”.
Cầu chúc cho những gì anh tâm đắc và định hướng trong nghiệp cầm cọ của mình sẽ được thuận buồm xuôi gió, như tình yêu cánh đồng làng ngan ngát hương đưa từ lúc lúa trổ đòng đến mùa thu hoạch - luôn là hương vị thấm đẫm có cả mồ môi của nhà nông, một phần không thể thiếu yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
N.T
(*) Ngự Hà: Dòng sông nhỏ như kênh đào thuộc công trình kiến trúc thời Nguyễn dẫn nước ngoằn nghèo từ trước cổng Ngọ Môn, đến cổng Hiển Nhơn qua cổng Hòa Bình về cổng Chương Đức, chảy qua sông An Hòa và thoát ra sông Hương.